Ghé Thăm Nhà Của Pao Hà Giang – Ngôi Nhà Trình Tường Đẹp Nhất Vùng Cao Nguyên Đá
Nội dung
Nhà của Pao Hà Giang là điểm check in được nhiều tín đồ du lịch vùng cao nguyên đá yêu thích. Cùng Motortrip khám phá xem ngôi nhà này có gì mà lại hấp dẫn du khách đến vậy.
Những thông tin bạn cần biết về Nhà của Pao Hà Giang
Tại sao nhà của Pao lại nổi tiếng đến vậy?
Nhà của Pao là địa điểm ghi hình chính của bộ phim điện ảnh nổi tiếng “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Khải. Bộ phim thuộc thể loại tâm lý được chuyển thể từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thủy.
Sau khi được công chiếu vào năm 2006, Chuyện của Pao nhanh chóng trở thành bộ phim ăn khách nhất màn ảnh Việt lúc bấy giờ. Đây cũng là tác phẩm đạt giải Cánh Diều Vàng Việt Nam cho hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất năm.
Sau thành công vang dội của bộ phim, Nhà của Pao cũng nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch Hà Giang hot nhất thời điểm đó. Các bạn trẻ đổ xô về đây để khám phá, check in cùng với địa điểm xuất hiện trong bộ phim mình yêu thích.
Đến bây giờ, Nhà của Pao đã trở thành điểm đến quen thuộc trên tấm bản bồ du lịch Hà Giang và được đông đảo khách du lịch biết tới. Ngôi nhà với lối kiến trúc cổ kính, nép mình bên chân đồi luôn hấp dẫn du khách tìm đến và khám phá.
Pao là ai?
Pao là nhân vật chính của bộ phim Chuyện của Pao. Đây là một cô gái người H’Mông xinh đẹp với hoàn cảnh gia đình đặc biệt khi cô có 1 người cha, 2 người mẹ và 1 người em trai. Một người mẹ đẻ ra chị em Pao và một người mẹ hết lòng yêu thương, nuôi nấng họ từ nhỏ.
Sau khi người mẹ nuôi cô bất ngờ tự tử, cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn với rất nhiều biến cố liên tiếp xảy ra. Cô quyết tâm đi tìm lại người mẹ đẻ của mình, từ đó những bí mật ẩn sâu trong gia đình cô cũng dần được vén màn.
Với nét diễn xuất sắc của mình, nhân vật Pao đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Đồng thời, cuộc đời của nhân vật Pao cũng đã tái hiện rõ nét về lối sống văn hóa và tinh thần của đồng bào dân tộc H’ Mông ở Hà Giang.
Ai là chủ nhân thực sự của “Nhà của Pao”?
Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Mua Súa Páo, người có vai vế trong vùng Tây Bắc. Theo lời kể của người dân, ông Mua Sáo Púa là người từng giữ chức Trung đội trưởng đội quân của vua Mèo, thời trước Cách mạng tháng tám 1945.
Năm 1947, ông đã thuê những người thợ giỏi nhất trong vùng để xây dựng ngôi nhà. Phải mất mấy năm ròng, ngôi nhà mới được dựng xong. Ở thời điểm đó, ngôi nhà trình tường này được coi là cơ ngơi hoành tráng nhất vùng Sủng Là của giới quý tộc.
Nhà của Pao ở đâu?
Nhà của Pao là ngôi nhà ở cuối con đường trong làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm. Nằm tại thôn Lũng Cẩm thuộc thung lũng Sủng Là, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cách trung tâm thành phố Hà Giang 122km và cách thị trấn Đồng Văn 25km.
Làng Lũng Cẩm nằm ngay cạnh đường quốc bộ 4C. Đây là tuyến đường nối liền các huyện của tỉnh Hà Giang. Vì thế nên đường đến đây khá dễ đi và thuận tiện với nhiều điểm xuất phát, kể cả từ trung tâm thành phố hay từ các huyện khác nhau trong địa bàn tỉnh.
Cách di chuyển đến Nhà của Pao từ trung tâm thành phố Hà Giang
Lộ trình di chuyển
Nhà của Pao Hà Giang cách khá xa trung tâm thành phố, nhưng đường đến đây lại khá dễ tìm và dễ đi. Từ trung tâm thành phố có 2 con đường chính để di chuyển đến địa điểm này.
Cung đường 1: Trung tâm thành phố – dốc Bắc Sum – Quản Bạ – Cán Tỷ – Rừng thông Yên Minh – Đồng Văn – Phim trường Nhà của Pao Hà Giang.
Cung đường này dài 122km, thời gian di chuyển hết khoảng gần 4 tiếng nếu đi bằng xe máy. Trên dọc tuyến đường này đi qua nhiều danh lam thắng cảnh và địa điểm check in nổi tiếng như Thạch Sơn Thần, Cổng Trời Quản Bạ, Núi Đôi Quản Bạ, Cây thông cô đơn, thành cổ Cán Tỷ…
Tuy nhiên, cung đường này đi qua con dốc Bắc Sum là một trong những con dốc khó chinh phục nhất ở Hà Giang. Vì vậy nếu không vững tay lái, bạn cần cân nhắc khi lựa chọn con đường này.
Cung đường 2: Trung tâm thành phố – Thuận Hòa – Lũng Pù – Lùng Tám – Lũng Hồ – Yên Minh – Phim trường Nhà của Pao Hà Giang.
Cung đường này dài 134km, thòi gian di chuyển bằng xe máy hết khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ. Dù quãng đường di chuyển xa hơn, nhưng cung đường này lại khá bằng phẳng, ít dốc, ít đèo và khá dễ đi.
Phương tiện di chuyển
2 tuyến đường mà chúng tôi vừa gợi ý phía trên phần lớn đều di chuyển trên đường quốc lộ. Vì thế bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy tự lái đều được.
Đối với những khách du lịch đến Hà Giang bằng xe khách hoặc chưa có phương tiện riêng để di chuyển, bạn có thể thuê xe tự lái. Ở khu vực trung tâm thành phố có khá nhiều cơ sở thuê xe máy Hà Giang. Còn với dịch vụ thuê ô tô thì ở Hà Giang chưa phổ biến.
Để đảm bảo cho chuyến đi diễn ra thuận lợi và an toàn, bạn nên lựa chọn thuê xe tại các cơ sở uy tín. Trong đó, MOTOGO là đơn vị có chất lượng xe tốt, xe được kiểm tra kỹ trước khi giao, dịch vụ và giá thuê ưu đãi mà bạn có thể tham khảo.
Nhà của Pao có gì đáng để ghé thăm?
Kiến trúc nhà trình tường độc đáo
Hiện nay, Nhà của Pao vẫn là ngôi nhà trình tường lớn nhất vùng. Với tuổi đời gần 80 năm cùng kiến trúc đồ sộ, đây được coi một là “biệt thự cổ”. Cơ ngơi này mang giá trị tư tưởng, văn hóa nhà trình tường đặc sắc của người Mông. Được người dân coi là chỗ dựa văn hóa, bảo vật của làng.
Nhà của Pao là được dựng bằng các trụ gỗ quý, đắp đất, lợp mái ngói và có sân vườn phía trước. Thông thường nhà trình tường sẽ có phần sân đất trước nhà. Nhưng ở ngôi nhà này phần sân được lát đá, vì vậy sân khá bằng phẳng và sạch sẽ, kể cả khi trời mưa lớn.
Ngôi nhà được chia thành 3 gian, 1 gian chính và 2 gian phụ, xếp thành hình chữ U. Gian chính gồm 2 tầng được chia thành phòng khách và nhiều phòng ở. Gian phụ được chia thành các phòng hơn để làm kho trữ lương thực, bếp và chuồng nuôi gia cầm, gia súc.
Điểm nhấn của ngôi nhà là cánh cổng dựng bằng gỗ, lợp mái ngói. Người Mông không sử dụng then chốt cổng bằng sắt mà họ sử dụng bản lề làm từ gỗ. Theo quan niệm từ xưa, nếu làm bằng sắt thép sẽ giống như các vật dao kiếm nguy hiểm, không thể hiện lòng tốt, sự hiếu khách của chủ nhà.
Bao quanh ngôi nhà là hàng rào được xếp bằng đá cao khoảng 1,5 m. Người ta lựa chọn những viên đá có kích thước tương đồng và xếp chồng lên nhau. Những viên đá được xếp hoàn toàn thủ công mà không sử dụng bất kỳ loại kết dính nào. Nhưng nhờ được căn chỉnh tỉ mỉ nên hàng rào rất vững chắc.
Xem thêm: Thị Trấn Phó Bảng Hà Giang | Thị Trấn Cổ Giữa Lòng Cao Nguyên Đá Đồng Văn
Khám phá nếp sống của ngôi nhà “tứ đại đồng đường”
Theo lời của trưởng làng Lũng Cẩm, gia tộc của ông Mua Sáo Púa thuộc hàng “danh gia vọng tộc” ở vùng thung lũng Sủng Là. Ngôi nhà cổ cũng được xếp vào hàng “tứ đại đồng đường” ở Hà Giang. Đến nay, đã có 4 thế hệ sinh sống trong căn nhà này.
Hiện nay, trong căn nhà cổ có 2 hộ gia đình cùng nhau như một đại gia đình. Đó là vợ chồng anh Mua Pái Tủa – cháu nội của ông Páo và hộ ông Mua Sín Già, theo quan hệ gia tộc thì ông Mua Sín Già gọi ông Páo là bác ruột.
Vào năm 1979, con trai ông Páo mất, không lâu sau đó ông Páo cũng qua đời. Anh Tủa là cháu trai nên phải đứng ra gánh vác mọi công việc gia đình. Anh đi làm thuê đủ thứ nghề ở vùng biên để kiếm tiền. Vợ anh là chị Ly Thị Chúa thì ở nhà chăm con nhỏ và làm nương rãy.
Ông Mua Sín Già lấy vợ đã lâu nhưng không có con nên bà cả đã đi tìm vợ hai cho ông. Đến nay con cái đã đuề huề, ông cùng các con ở nhà để trông nhà và đón khách du lịch đến tham quan. Còn 2 người vợ của ông thì hàng ngày cùng nhau lên nương làm rãy.
Trong nhà vẫn còn lưu giữ những đồ dùng sinh hoạt được làm bằng đá từ đời trước như cối giã gạo, cối xay ngô, chiếc bồn đựng nước. Ở phòng khách được treo những bức chân dung đen trắng về các thế hệ thành viên trong gia đình. Ngoài hiên nhà cũng treo một số bức ảnh về bộ phim “Chuyện của Pao”.
Thời gian thích hợp nhất để đến Nhà của Pao
Thời gian thích hợp nhất để đến thăm Nhà của Pao là từ khoảng tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Nhà của Pao nằm trong thung lũng Sủng Là nổi tiếng là “ốc đảo trên cao nguyên đá”, bởi vẻ đẹp của thảm thực vật xanh tốt và các loài hoa rực rỡ nơi đây.
Đây là khoảng thời gian mà cảnh sắc ở Sủng Là cũng như là làng Lũng Cẩm vào mùa đẹp nhất. Bên cạnh đó thì đây cũng là mùa khô ở Hà Giang, trời ít khi có mưa giúp việc hành trình khám phá của bạn trở nên trọn vẹn hơn.
Tháng 10 mùa lúa chín
Cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín Hà Giang. Cánh đồng lúa ở Sủng Là lúc này cũng vào độ chín rộ, phủ một màu vàng óng lên cả vùng thung lũng rộng lớn. Trong đó thì khoảng thuần thứ 2 của tháng 10 là thời điểm mà lúa chín đều và đẹp nhất.
Điểm khác biệt của cánh đồng lúa nơi đây so với những nơi khác ở Hà Giang đó là những hàng cây sa mộc được trồng ngay trên cánh đồng. Đây là loài cây thân thẳng, họ lá kim gần giống với cây thông, tạo nên khung cảnh đồng lúa chín rất riêng ở Sủng Là.
Nếu đến thăm nhà của Pao muộn hơn một chút, bạn sẽ được chứng kiến cảnh người dân thu hoạch lúa. Cả làng cùng nhau ra cánh đồng, người cắt lúa, người bó lúa. Bọn trẻ con thì chạy nhảy hết từ ruộng này sang bãi kia. Khung cảnh mùa vụ nhộn nhịp chắc chắn sẽ khiến nhiều du khách thích thú.
Tháng 11 check in hoa tam giác mạch
Đến tháng 11, nhà của Pao như chìm vào giữa sắc hồng của hoa tam giác mạch. Hai bên đường dẫn đến ngôi nhà đều là những thửa ruộng được người dân dùng để trồng hoa. Những cánh đồng hoa đang nở rộ chính là địa điểm lý tưởng để check in.
Để ngắm toàn cảnh nhà của Pao và cánh đồng hoa tam giác mạch, bạn có thể leo lên ngọn đồi ở ngay sau nhà cổ. Từ đây bạn không chỉ thấy được khung cảnh lãng mạn ngôi làng Lũng Cẩm giữa cánh đồng hoa, mà còn có thể nhìn thấy nước bạn Trung Quốc ở phía bên kia biên giới.
Tháng 12 ngắm mùa hoa cải vàng Hà Giang
Đến thăm Nhà của Pao vào tháng 12, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi sắc vàng từ những cánh đồng hoa cải. Hoa cải vàng được người dân Sủng Là trồng nhất nhiều, có những dải hoa kéo dài cả cây số dọc bên đường.
Khác với màu vàng rực rỡ của màu lúa chín tháng 10, hoa cải vàng mang vẻ đẹp mềm mại và nhẹ nhàng hơn. Tuy chỉ là một loài hoa dân dã, nhưng dần dần hoa cải vàng đã trở thành một mùa hoa đặc trưng của Hà Giang.
Vào mùa hoa cải vàng, trước cổng và trong hiên Nhà của Pao đều được đặt những gùi hoa cải. Vừa để du khách có thể sử dụng như một đạo cụ để check in, vừa để trang trí cho ngôi nhà cổ.
Xem thêm: Dinh Thự Họ Vương Hà Giang | Điểm Đến Độc Đáo Đầy Bí Ẩn Của Cao Nguyên Đá Đồng Văn
Thăm Nhà của Pao Hà Giang có mất phí không?
Thăm Nhà của Pao có mất phí không? là thắc mắc chung của nhiều du khách. Hiện nay, làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm không thu vé tham quan, du khách chỉ cần trả thêm chi phí là 10.000đ/ người nếu vào tham quan bên trong nhà của Pao.
Vé vào tham quan được bán và thanh toán ngay tại cổng Nhà của Pao. Vé được áp dụng với người lớn và trẻ em trên 1m2. Với trẻ dưới 1m2 sẽ không mất phí tham quan.
Ngoài ra, nếu muốn chụp ảnh tại một số vườn hoa ngay trước nhà của Pao hay các vườn hoa khác trong làng, du khách sẽ mất thêm phí. Phí chụp ảnh tại vườn hoa dao động từ 10.000đ đến 30.000đ/ người tùy vào mức phí mà mỗi chủ vườn đưa ra. Bên cạnh đó thì tại đây cũng có cho thuê trang phục dân tộc để chụp hình với giá 30.000đ cho một bộ.
Những điều du khách nhất định phải biết khi đến thăm Nhà của Pao
Người dân làng Lũng Cẩm nói chung và các thành viên đang sinh sống trong Nhà của Pao đều rất thân thiện và hiếu khách. Họ luôn chào đón các du khách từ mọi nơi đến với bản làng. Tuy nhiên, trong phong tục người dân nơi đây có một số quy tắc và điều kiêng kỵ.
Về trang phục
Người Mông ở Hà Giang cũng như đa số các dân tộc thiểu số khác ở Hà Giang đều rất kỵ vải lanh trắng. Bởi ở đây người ta chỉ dùng vải lanh trắng trong các đám tang và các trang phục làm từ loại vải này sẽ được coi như là điềm gở.
Vì vậy đến thăm làng Lũng Cẩm hay bất kỳ bản làng vùng cao nào, bạn cần lưu ý rằng tuyệt đối không được mặc trang phục làm từ vải lanh trắng. Thay vào đó, lựa chọn cho mình những bộ trang phục có màu sắc nổi bật mà khi lên hình check in cũng sẽ lung linh hơn.
Khi đến thăm bản làng
Khi đi tham quan, dạo quanh trong bản, du khách cần lưu ý không nên cười nói quá to, không được xả rác bữa bãi và không được tự ý hái các loài hoa trong bản. Khi đi lại trong bản không nên huýt sáo, bởi theo phong tục nơi đây khi huýt sáo là sẽ gọi ma quỷ, thú dữ quấy nhiễu bản làng.
Nếu như thấy trước cửa nhà của người Mông có treo một chùm lá cây hoặc con dao dấu, thì bạn không nên đặt chân vào nhà. Đây là dấu hiệu cho thấy ngôi nhà đó đang thực hiện lễ xua đuổi tà ma hoặc có người đẻ đang ở cữ. Những thời điểm này, người Mông kiêng kỵ không cho người lạ vào nhà.
Nếu vô ý không nhìn thấy cọc dấu và bước vào nhà trong thời gian nhà có người ở cữ, khi ra về bạn cần để lại một vật dụng cá nhân của mình. Người Mông cho rằng, nếu không để lại một vật dụng nào đó, thì hồn của đứa trẻ sơ sinh có thể đi theo người lạ ấy, làm cho đứa bé dần ốm yếu.
Khi vào trong nhà
Mặc dù đã mua vé tham quan, nhưng nếu muốn vào bên trong gian nhà của Pao, bạn vẫn nên xin phép chủ nhà trước. Khi vào trong nhà không nên tự ý động chạm vào đồ dùng trong nhà của họ.
Không được dựa, tựa lưng vào cột hay ngồi, đứng giữa cửa nhà. Đặc biệt là đối với cửa chính và cột cái. Bởi cửa và cột được coi là vị trí linh thiêng, là nơi trú ngụ của các vị thần và ma trong nhà.
Thêm vào đó, những chiếc ghế đầu trong phòng khách cũng là vị trí mà bạn tuyệt đối không nên ngồi. Đây là những chiếc ghế dành cho cha mẹ. Kể cả khi cha, mẹ đã mất thì cũng không ai được sử dựng tới ghế đó.
Chào hỏi, giao tiếp
Không nên nói những câu có chứa từ Mèo, Mán. Người dân có thể sẽ hiểu lầm rằng bạn đang nói ý khiếm nhã chỉ dân tộc Mông và Dao. Khi nói chuyện cần lịch sự, không nên nói quá to hoặc có những cử chỉ gay gắt.
Điều cuối cùng là không nên ôm ấp hay xoa đầu các em nhỏ. Người dân quan niệm rằng những người từ nơi khác tới sẽ có vía lạ, vì thế có thể khiến cho trẻ nhỏ bị đau ốm, bệnh tật.
Đến nhà của Pao, bạn sẽ được khám phá ngôi nhà cổ kính với nét kiến trúc độc đáo của người Mông. Thêm vào đó là được chiêm ngưỡng những cảnh sắc tuyệt đẹp cũng như là nét văn hóa bản địa đặc sắc của người dân ở ngôi làng Lũng Cẩm. Vậy thì còn chần chờ gì mà không thêm ngay Nhà của Pao vào list khám phá của bạn.
Nguồn tài liệu tham khảo
- VnExpress. (2022). ‘Nhà của Pao’ mùa hoa tam giác mạch. [online] vnexpress.net. Có tại: https://vnexpress.net/nha-cua-pao-mua-hoa-tam-giac-mach-4541455.html [Truy cập ngày 12/02/2023]
- Vietnamnet. (2013). Điều ít biết về ngôi nhà trình tường đẹp nhất cực Bắc. [online] vietnamnet.vn. Có tại: https://vietnamnet.vn/dieu-it-biet-ve-ngoi-nha-trinh-tuong-dep-nhat-cuc-bac-113131.html [Truy cập ngày 12/02/2023]
- Pystravel. (2021). Ghé thăm ‘Nhà của Pao’ – khám phá văn hóa Lũng Cẩm đầy hấp dẫn. [online] pystravel.vn. Có tại: https://pystravel.vn/tin/43676-ghe-tham-nha-cua-pao-kham-pha-van-hoa-lung-cam-day-hap-dan.html [Truy cập ngày 12/02/2023]
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!